Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Quyền tự quyết của người dân


Quyền « nhân dân tự quyết » chính là một phương cách để phần nào vượt qua sự bế tắc của dân chủ hình thức

                                          

Vào trung tuần tháng 10, thủ tướng Anh David Cameron đã ký một văn kiện dọn đường cho một cuộc trưng cầu dân ý với câu hỏi đặt ra là việc Scotland trở thành một quốc gia độc lập. Tại Bỉ quốc, người Flamand, vừa thắng phiếu trong một cuộc bầu địa phương, đòi tách thành một quốc gia riêng biệt. Dân vùng Catalogne cũng vừa biểu tình đòi ly khai khỏi vương quốc Tây Ban Nha. Cần thêm là vùng Lombardie ở Ý đã từng ủng hộ đòi hỏi độc lập trước khi ước vọng này phải tạm thời lùi bước, vì chính đảng chủ trương điều ấy là một đồng minh của Berlusconi, vừa bị loại khỏi chính quyền. Bên kia Đại Tây Dương, đảng cầm quyền ở Quebec, vừa thắng cử, cũng mang chủ trương độc lập, mặc dù viễn tượng ấy hiện vẫn bị coi như rất xa vời. Ngoài ra, người ta còn nhớ sự ly khai của Slovaquie khỏi liên bang Tiệp Khắc, của Moldavie khỏi Roumanie, của Transnistrie khỏi Moldavie, của Abkhazie và Nam Ossétie khỏi Georgie sau một cuộc chiến chớp nhoáng giữa nước này và Nga (1), không kể đến sự tách ly của nhiều nước thuộc Liên bang Sô Viết, khi nó trở thành Liên Bang Nga.

 
Tại Phi Châu, nơi đa số quốc gia được hình thành từ các thuộc địa cũ, nhiều phong trào độc lập ly khai luôn ngấm ngầm chờ bùng nổ. Soudan, Mali, là những điểm nóng, trong khi Lybie đang ở trong một giai đoạn tái cấu trúc khó khăn.


Trung Đông thì vẫn là nơi tập trung nhiều tranh chấp nhất trên thế giới. Irak không thể ổn định lâu dài trong bối cảnh phân hóa giữa dân Sunite, Chiite và Kurde. Tại Syrie sắc tộc Allaouite đang cố duy trì sự thống trị của mình trên người Sunnite, một cách khó khăn. Chưa kể trường hợp các tiểu vương quốc, như Yemen hay Barhein, với những căng thẳng thường xuyên. Yếu tố tôn giáo, lồng trong tinh thần sắc tộc hay bộ lạc, khiến cho sự chung sống dưới sự cai trị của một sắc tộc ưu thắng thường chỉ có tính cách tạm bợ, lệ thuộc vào những yếu tố giai đoạn, như quyền lợi và sự sợ sệt..

Ổ Á Châu, chúng ta có trường hợp Đông Timor, tách khỏi Indonesia năm 1999, và được công nhận độc lập ba năm sau đó. Các đòi hỏi độc lập hay (tạm thời) tự trị thì không thiếu. Tây Tạng là một trường hợp điển hình. Cách đây không lâu, vùng tây bắc Trung Hoa lại trở nên sôi nổi với những cuộc biểu tình của người Ouighour. Thời sự nóng bỏng mấy hôm nay thì cho thấy những xung đột sắc tộc trầm trọng ở Miến Điện, với số người tỵ nạn lên đến 110 ngàn người.

Làm sao hiểu được những đòi hỏi độc lập ấy, trong lúc khuynh hướng chung hiện nay là toàn cầu hóa, xóa nhòa những khác biệt, những ranh giới ?

Phải chăng nhiều người mang nặng cảm tưởng phải lãnh chịu sự hội nhập toàn cầu, chứ không phải   chính họ chọn lựa nó, nên có phản ứng ngược lại là phát triển những đòi hỏi địa phương chủ nghĩa ? Hoặc giả sự lo sợ đánh mất đi những cá tính đặc thù của nơi chôn nhau cắt rốn, khiến người ta tìm cách thu mình vào các giá trị địa phương, vùng miền, như trong một cái nôi an toàn, ấm cúng ?

Hay chính sự toàn cầu hóa đã làm mờ nhạt tinh thần quốc gia, khiến người ta càng ngày càng cảm thấy bớt bị ràng buộc vào một cộng đồng dân tộc rộng lớn, quá xa xôi cách biệt, và trở nên gắn bó nhiều hơn với cộng đồng địa phương của mình, được cảm nhận như quen thuộc hơn, gần gũi hơn ?

Thật ra, nếu tôn giáo và sắc tộc có thể là những yếu tố bề mặt, người ta không khỏi nhận thấy nơi chiều sâu của các phong trào ly khai những quan tâm kinh tế rõ rệt. Thật vậy người Flamand đòi ly khai phần lớn vì không muốn phải « trợ cấp » dài hạn cho người Wallon trong một nước Bỉ thống nhất. Người Bắc Ý thì muốn chấm dứt tình trạng phải « nuôi » dân Nam Ý, nghèo nàn, chậm tiến. Người Catalan tin tưởng họ sẽ ra khỏi khủng hoảng một cách nhẹ nhàng hơn nếu không phải đèo theo toàn thể các vùng miền hỗn tạp của vương quốc Tây Ban Nha. Người Chiite và Kurde ở Irak, sống trong những lãnh thổ nhiều dầu hỏa, không muốn chia sẻ lợi tức với người Sunnite. Một tình trạng tương tự như thế cũng được thấy ở Lybie, với những chênh lệch giữa miền Tây và miền Đông (có nhiều dầu hơn). Nơi vùng Tây bắc Trung Hoa, những đòi hỏi độc lập của người Ouighour trong bản chất, cũng không ngoài việc tranh thủ quyền lợi liên quan đến khí đốt và dầu hỏa, mà họ cho là bị chính quyền trung ương tước đoạt.

Vì thế, mặc dù nhưng đòi hỏi địa phương chủ nghĩa phát xuất một cách ưu tiên nơi những vùng đất có vấn đề sắc tộc hay tôn giáo, người ta vẫn có thể nghĩ rằng trong dài hạn, những đòi hỏi ấy có khả năng xuất hiện ở bất cứ đâu, khi sự chênh lệch quyền lợi kinh tế vượt quá một mức nào đó. Một thí dụ : dân các vùng ven biển của Trung Hoa có lợi tức khoảng 80 lần cao hơn nông dân trong nội địa. Một ngày kia có thể họ sẽ tự hỏi không chừng đời sống của họ sẽ càng khá hơn nữa nếu không phải gánh vác những vùng đất kém phát triển nơi xa. Rồi, giả sử chính quyền trung ương phát động một cuộc chiến tranh quy mô, với Nhật Bản, Đài Loan, hay Hoa Kỳ, thì dân chúng các vùng giàu có kia chắc chắn sẽ không mấy gì hăng hái lắm, vì họ đang buôn bán làm ăn tốt đẹp với các nước này, và vì họ có quá nhiều thứ để mất ...

Tóm lại, nếu dân chủ là một tiến trình, thì trong một phạm vi nào đó, có thể tiên liệu sự phát triển đều đặn của quyền tự quyết của người dân. Với thời gian, họ sẽ tranh thủ được quyền chọn lựa vì họ, cho họ, một cách cụ thể, bớt phải dựa trên những lý tưởng trừu tượng, như lý tưởng quốc gia. Một tỉnh Trung Quốc, một vùng Nhật Bản, Nam Hàn, hay Việt Nam, có thể nhìn thấy quyền lợi của mình trong việc kết hợp làm ăn với nhau. Người dân các nơi này sẽ muốn thực hiện sự nối kết ấy, mà không cần phải xin phép chính quyền trung ương (2).

Nói :  « Ý dân là ý Trời », chính là quan niệm việc người dân trực tiếp quyết định đời sống của mình. Không phải quyết định một cách tượng trưng qua việc ủy nhiệm quyền hành cho một nhóm cầm quyền nơi một kinh thành xa xôi, mà một cách thực tế, qua sự quản lý địa phương của chính họ, nơi họ hàng ngày sinh sống, với những cá nhân chia sẻ cùng một ước vọng, cùng một ưu tư.

Quyền « nhân dân tự quyết » như thế, chính là một phương cách để phần nào vượt qua sự bế tắc của dân chủ hình thức.

Nguyễn Hoài Vân

 (1) Trong cuộc chiến này, Liên Minh Âu Châu và Hoa Kỳ đã bỏ mặc Georgie cho Nga đè bẹp, bất chấp những thoả ước hỗ tương quốc phòng.

(2) Những đòi hỏi ly khai, đòi độc lập không phải bao giờ cũng có lợi cho chính những vùng miền chủ động việc ấy. Nhiều khi chia sẻ lợi tức cho những vùng nghèo nàn chậm tiến hơn mình có thể giúp họ trở thành những khách hàng có khả năng tiêu thụ cao hơn, phát triển những công nghiệp sản xuất với giá thành rẻ hơn. Đoàn kết trong khuôn khổ quốc gia cũng giúp chia sẻ các hạ tầng cấu trúc, về năng lượng, giao thông, giáo dục, nghiên cứu, v.v... Vấn đề là trong « toàn cầu hoá », phần lớn các lợi ích này có thể được tìm thấy ở bên ngoài ranh giới quốc gia. Người dân sẽ đòi hỏi được quyền chọn lựa. Chính quyền có thể đàn áp các khuynh hướng ly khai, hay đề ra những dễ dãi để khuyến khích các vùng miền có khuynh hướng ấy ở lại dưới pháp chế của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét